Lạc đỏ là giống bản địa của huyện Lục Yên, Yên Bái – một trong những cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của nông dân.
Lạc đỏ đã gắn bó với người dân Lục Yên từ bao đời qua, nhất là đối với đồng bào dân tộc Tày. Cứ khoảng tháng 1 – 2 và tháng 7 – 8 hàng năm, người dân tận dụng những thửa ruộng cao không chủ động nước, khu vực nương, vườn, đất soi bãi ven hồ Thác Bà và sông Chảy để trồng lạc đỏ. Tùy theo mùa vụ, sau khoảng từ 110 – 130 ngày, lạc được đồng bào dân tộc nhổ đem về tách củ hoặc tách hạt phơi khô, tích trữ dùng để ăn dần quanh năm và lưu giữ trồng vụ sau.
Do được gieo trồng trên vùng đất giàu khoáng chất, nơi đầu nguồn nước tinh khiết, hạt lạc đỏ của ở Lục Yên vừa rắn chắc, vừa có vị bùi, béo, ngậy thơm, khác hẳn lạc ở miền xuôi và các vùng đất khác. Thời bao cấp trở về trước, tuy là củ, là hạt nhưng lạc đỏ được các gia đình coi là thực phẩm thay thế cho thịt, cá. Lạc đỏ được chế biến thành nhiều món như luộc, rang, xào và cả kẹo, mứt, bánh… đều là những món ăn thân thuộc, gần gũi.